Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

việt nam – malai và ‘chơi vơi’

Dạy Cún xong qua Sweetie mua trà sữa với bánh để đi xem ‘Chơi vơi’ thì Malai vào, phút tám mấy và còn mấy phút đá bù. Thua thì đau nhỉ. Trước đấy cũng đoán sợ Việt Nam cứ đà này rồi tinh vi với chủ quan là lại thua cho mà xem. Thấy ông trọng tài trông đen đen không biết có phải người Ấn Độ không; mà thấy ở Malai nhiều người Ấn phết, hay ông này thiên vị - nói chung là mấy suy nghĩ vớ vẩn của một người yêu bóng đá vì yêu nước chứ không biết gì về điện (chuyên môn) cả. Hồi hộp hồi hộp…

Đến Hai Bà Trưng gửi xe xong thì còn một hai phút gì đấy, hồi hộp hồi hộp…Hết giờ, Việt Nam thua, mấy anh mấy chú với một chị chán nản văng loạn cả lên nhưng mà nghe rất là vừa tai, lúc đấy tất cả mọi người ở đấy cứ dài thượt hết cả ra, mình cũng thở dài. Một chú chản nản mặt xám xịt đen xì mặc áo da cũng đen xì, văng mấy câu rồi bĩu môi quay lưng lại với ti vi và quay ra cái mâm còn đầy nguyên các loại đồ nhấm với rượu trắng, hình như có tai lợn thái nhỏ với rau sống.
...

Thôi vào xem ‘Chơi vơi’… Ba chấm là cho sự hụt hẫng, xịt ngòi và vân vân cho Việt Nam... Những thứ đã biết trước khi xem ‘Chơi vơi’ là có ‘Dệt tầm gai’ remix (rất hay!) có Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn lừa tình, Như Quỳnh, Duy Khoa, có yếu tố đồng tính và có cái kết lửng rất ‘chơi vơi’ mà chị Yến, trong họp báo xem trên VTV2, bảo là thực ra trong kịch bản, cô Duyên nói với Hải: ‘Anh ơi cho em xuống đi tè’. Xem xong, định vỗ tay mà ‘ơ không ai vỗ tay à’. Buổi chiếu này chắc phải một nửa là người nước ngoài vì chiếu ở Hanoi Cinematheque. Người nước ngoài hay vỗ tay hơn nhưng có thể họ đã vỗ tay những thứ hay hơn nên không vỗ tay cái này? Nán lại một tí để xem nốt chữ chạy với cả ‘Dệt tầm gai’ mà nhạc bị cắt sớm quá. Với cá nhân mình cái được của ‘Chơi vơi’ là xem xong thấy ‘chơi vơi’! Cái cảm giác ‘chơi vơi’ nói thật là một cảm giác rất không thỏa mãn, mà không thỏa mãn tức là có thể làm được tốt hơn, tức là không được thích cho lắm. Nên thấy ‘chơi vơi’ là thấy khó chịu ra phết, nhất là với những người khó tính. Tóm lại thì sau khi xem ‘Chơi vơi’ là muốn nghĩ đến cái kết cho ‘Chơi vơi’ theo cách của riêng mình – phải nói đây cũng là một ‘trò chơi’ nho nhỏ mà khá thích thú với những cái kết lửng lơ, chơi vơi và chạng vạng, à loạng choạng, thế này.

Định google trước xem có ai viết kết kiếc gì chưa nhưng thôi thế lại bị ảnh hưởng. Duy Khoa (vai Hải) trông ngố ngố dã man, đúng là trẻ con lấy vợ. Chả hiểu sao chị Yến (vai Duyên) đóng phim này cho mình cảm giác hơi 'giả nai' trong câu nói và cách nói. Nói chung thì chị Yến này cũng ăn hình xinh đẹp kiểu Bắc Kì, cũng thể hiện được cái sự đơn giản và chưa nhiều kinh nghiệm của một cô gái chưa nhiều kinh nghiệm và đơn giản, lấy chồng kém hai tuổi sau ba tháng biết nhau – Duyên.

Cái vụ em hàng xóm tắm trong bồn nhà Duyên - Hải, bỏ qua câu hỏi là tại sao em ý vào được nhà khi Hải ngố và Duyên đi vắng, thì chắc cũng sẽ không phải vấn đề sau khi Duyên nói chuyện với Hải và biết sự thật (là Hải và em ý chưa làm gì đúng không ạ?). Chỉ là em kia thích cái bồn tắm thôi. Vấn đề là Hải ngố suốt ngày ngủ ‘như một con lợn’, rất ku-te nhưng Duyên đã đủ ‘đàn bà’ để cần một thằng ‘đàn ông’ như Thổ (Johnny lừa tình). Tình cảm (đồng tính?) của chị nhà văn tóc ngắn (Cầm) với Duyên thì thật sự chưa rõ và không đến mức làm cho mình muốn cho Cầm với Duyên sẽ làm gì với nhau, với lại có vẻ Duyên chả có nhu cầu gì với bà này. Nên cứ theo tinh thần và mức độ mà mình cảm nhận được ở phim thì đơn giản thôi, hi vọng sự lừa tình và cái thú tính đàn ông của anh Johnny đủ để chuyển hóa chị tóc ngắn này xong có vài cảnh nóng nóng gì đấy. Tại chủ quan mình vẫn thích và có cảm xúc với sự kết đôi khác giới hơn. (Thật ra đặt tên ông này là Thổ thấy hơi thổ…dân và lúa so với cái vẻ ngoài 'đĩ đĩ' của anh Nguyễn Trí, hoặc cũng có thể Thổ nghe gần gần với 'thổ phỉ' hay dùng để chỉ những người đàn ông không tử tế chăng?)

Cũng muốn nói một tí về cảnh Johnny cắt váy chị Duyên, thật lòng em chưa hiểu làm sao mà anh John mới bóp chân với cắt váy một tí mà chị Duyên run rẩy lẩy bẩy thở ra thở vào kinh khủng đến thế, có vẻ là cơ thể và cảm xúc của chị lên cao trào quá dễ và quá nhanh, khán giả như em lên theo không kịp, thật đấy. Còn nói chung thì không biết phim có bị cắt nhiều không nhưng từ đầu đến cuối rất nhiều đoạn phim làm cho người xem chờ một cảnh nóng thật xảy ra mà cuối cũng không được cảnh nào thật nóng, hay cái cảnh ‘có’ nhất là Johnny đè vật Duyên ra thì thấy giống…cướp đường hơn.

Duyên với Hải ngố thì thật sự là một đôi đũa lệch! Mà yêu nhau với lấy nhau mà lệch thì chả lâu được, có lâu thì cũng lục đục suốt ngày – không lục đục trong cũng lục đục ngoài, mệt lắm. Cho ông ngố với em hàng xóm làm ‘Ngôi nhà hạnh phúc’ phiên bản Việt phần hai? Cái đoạn ông Hải với em này chơi ở bờ lau - bờ sông với lại ông Hải ngố đi chơi cờ bạc với ông gà chọi không hiểu Hải lái xe taxi của hãng gì mà nhàn thế? Đi chơi tung tăng như chim non! Mặt thì búng ra sữa, ngây thơ, 9x, như thật!

Thế thì Duyên đi đâu nhỉ. Thôi Duyên đơn giản mà, hay cho Duyên với Cầm nhường nhau ông Johnny? Mà vì Duyên đơn giản và không rắc rối nên có thể Duyên sẽ nhường Johnny cho Cầm. Hay cho tình cảm của Cầm với Duyên mạnh mẽ và mãnh liệt hơn lên đi, Cầm giật lấy Duyên và ôm chầm rồi hít hà thở hổn hển gì đấy, rồi Duyên có bị rung động theo? Thành một câu chuyện đồng tính. Như thế thì cho lão Thổ kia lăng nhăng với nhiều em linh tinh tiếp, nói chung anh Nguyễn này đóng mấy vai nhạt nhạt (và có mấy đoạn sến sến như trong ‘Nụ hôn thần chết’ với ‘Dòng máu anh hùng’) là rất đạt, và, hợp.

Hoặc Duyên không rung động Cầm, Cầm lại không rung động Thổ, Thổ thì chả yêu ai cả, Hải và em hàng xóm thì đều còn quá ngố để yêu – tất cả mọi người trở về với chính bản thân mình và tự do, mở chỗ cho một cái kết mở khác tươi sáng hơn, và, thế thì lại, không ‘chơi vơi’ mất rồi!

Ở đời này có mấy thứ hay mấy người hoàn hảo mà không chơi vơi, mà hoàn hảo quá lại dễ bị nghi là ‘làm hàng’ hoặc sẽ bị chê ôm đồm hoặc tạp pí lù. Thế thì thôi, hoặc là thuần hài và giải trí – xem để cười; nếu không thì xem xong trong đầu nếu đọng được lại ít nhất là một ý niệm gì đấy đáng nhớ thì sẽ quên được hết những cái tiểu tiết không hay của phim. Ví dụ như cái kết của phim đầu tiên xem có Trí Nguyễn năm 2006 ở TPD, ‘Buổi sáng đầu tiên’ - xem xong đọng lại một phát hiện không mới nhưng rất thú vị: người Tây mừng ngày mọi người ra đời (sinh nhật) còn người Việt mình lại kỉ niệm cái ngày người ta chết đi (ngày dỗ). Hay hôm trước xem ‘Night in the museum 2’ - từng đọc một bài chú Ben Stiller này nói ‘tôi trung thành với thể loại phim hài’ – thế nhưng cái kết của ‘Đêm Kinh Hoàng 2’ cũng làm mình gật gù với câu nói ‘Hạnh phúc là được làm cái mà mình yêu thích’ – rất đơn giản thôi nhưng vấn đề và chân lí nằm ở chính những điều đơn giản nhất như thế. Thử đi hỏi 100 người bất kì ngay bây giờ xem có mấy người đang được làm việc mình thật sự yêu thích? Đơn giản thế thôi mà thực tế lại khá xa sỉ!

Lòng và vòng - lòng vòng - với những suy nghĩ linh tinh như vậy thì tóm lại thấy ‘Chơi vơi’ là một phim, không biết vô tình hay cố ý, được đặt tên rất ‘khôn’ của đạo diễn và biên kịch. Bởi vì xem xong, dù chưa thỏa mãn, nhưng không thể nhận xét như sau khi xem ‘Sống trong sợ hãi’ là chưa thấy ‘sợ hãi’ lắm dù mình rất nhát (Có thể tại em xem màn hình nhỏ và không có hệ thống âm thanh pro ~ anh Phương TPD). Bởi vì xem ‘Chơi vơi’ xong thấy chơi vơi thật! Thấy sóng sánh chơi vơi giống cái chơi vơi sóng sánh của nước lũ Hà ‘Lội’ mùa mưa cuối năm ngoái mà trong phim cũng có vài đoạn quay lai được cảnh dân Hà Nội lụt lội hồi đấy– cũng hay! Mới xem hai phim của chú Chuyên và thấy phim của chú khuôn hình, diễn viên, yếu tố hài, lời thoại, hình ảnh đều đẹp và ok, có thể gật gù, chỉ có mặt nội dung và cái thần của phim thì còn chưa lên đến đỉnh, ‘sợ hãi’ thì chưa đủ ‘sợ hãi’, riêng với ‘Chơi vơi’, thì có thể gọi là thành công theo một cách nào đấy, vì thấy, ‘chơi vơi’?

Hoặc có thể tại em còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nên vẫn còn thích gật gù với những cái đọng lại theo kiểu hơi triết lí hay một cốt truyện có cao trào đỉnh điểm kiểu cổ điển sau khi xem ở những phim khác như thế. Nhưng Duyên, theo mạch của phim, cũng dần 'phức tạp' lên thành chơi vơi đến mức chới với đấy chứ.

Và có lẽ ở đời này có nhiều hơn những câu chuyện, cuộc đời, con người và cảm xúc không đầu không kết mà cứ lửng lơ, chửng chơ, lơ mơ, vơ vẩn như thế. Và như thế thì ‘Chơi vơi’ đã thành công trong việc dựng lại được một góc nhìn với những mảnh đời và cảm xúc chơi vơi của Duyên – một cô gái trẻ sống và nghĩ đơn giản nhưng cũng có cái bản năng khá mạnh mẽ của một người đàn bà, của Cầm – một cô nhà văn hơi quái dị thu mình trong cái căn nhà Hà Nội cổ đẹp mê li và cái chăn chùm xông hơi, thu mình và thu chân trước sự mơn trớn của Thổ - một thằng đủ đàn ông về mặt thể xác để khiến một cô đàn bà khác yêu sáu năm rồi chết trôi trên biển, của Hải - vẫn được mẹ vỗ mông gọi là ‘thằng bé’ lấy vợ khi vẫn còn sợ ma và không dám ngủ một mình…Nhạc phim ‘Dệt tầm gai’ được Đại – Lâm – Linh phối lại và hát lại có lẽ không thể hiệu quả hơn, khiến đầu lắc lư và người rung rinh theo những ‘cài thêm năm ừ hư cài nhng ngón tay try xước ca em bng anh hư…’ – rt cá tính, mạnh m, đc đáo mà không th da diết và tình cm hơn
...

Xem phim xong về nhà lên mạng đọc tin có vẻ nhiều người bảo Việt Nam muôn đời chả thắng được là vì ‘chưa muốn thắng’. Hay có người khác nói, cho dễ hiểu, dễ nghe và cũng đúng hơn, là vì tinh thần và ý chí thi đấu của mình còn kém. Trong comment blog anh chồng của một chị nhà văn mạng nói là vì người Việt Nam mình từ bé đi học đến lớn lúc nào cũng phải chịu áp lực, chả bao giờ được tự do nên tinh thần không được thoải mái, các cầu thủ cũng thế, lại còn phải ăn mì gói Omi nữa chứ - một comment khác.

Có lần đọc bài nói học sinh Việt Nam học hành áp lực và chăm chỉ chỉ sau Hàn Quốc – đất nước nổi tiếng với tỉ lệ tự tử cao – kinh thật. Thì đấy, bây giờ trẻ con phải thi vào lớp một, không hiểu tầm chục năm nữa chắc con mình phải thi đầu vào nhà trẻ…Cặp sách thì nặng như cùm, cái gì cũng phải học thuộc để tư duy với ý tưởng mục rũa, học ở trường hai ca xong về lại đi học thêm đêm về thức đến sáng làm bài tập rồi lại đi học – thế nhưng phát minh, công nghệ hay đến ngay gameshow trên truyền hình cái gì cũng vãn phải đi copy của nước ngoài. Thôi cũng mới hết chiến tranh được mấy chục năm mà, thật sự là thế thật. Chưa kể đang chiến tranh biển với các 'bạn' hàng xóm Trung Quốc nữa chứ.

Nghĩ thấy trẻ con bị bắt học giống ăn ‘bánh mì ghi nhớ’ của Đô-rê-mon, lấy cái bánh gối dập vào trang sách rồi ăn vào là nhớ mấy cái đấy trong đầu – để nhớ nhiều thì phải ăn nhiều, mà ăn nhiều kiểu đấy xong đau bụng đi vệ sinh rồi là ra hết – thế là đầu lại rỗng mà bụng cũng rỗng luôn. Thể dục thể thao chả tập luyện mấy nên hoa hậu thì béo mà con trai thì lẻo khoẻo. Nhưng dù gì thì

‘Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người’

Tất nhiên và tự nhiên thôi, em vẫn yêu Việt Nam nhưng cũng tất nhiên và tự nhiên thôi, nếu anh (Việt Nam) mà cao to khỏe mạnh hơn với đạt được huy chương vàng SEAGames môn bóng đá nam thì em sẽ tự hào và yêu anh hơn nữa. Em có tí ý kiến về bóng đá, phim ảnh rồi dáo giục, à giáo dục thế này cũng chỉ là trong nhà đóng cửa bảo nhau để anh sẽ làm tốt hơn lần sau mà thôi. Rồi nghĩ lại em thấy mình cũng giống Việt Nam, vẫn còn 'chơi vơi' và còn 'đang phát triển' lắm...

Hà Nội 18/12/09.

Kí tên,
Trẻ con tập viết.



1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hi Hằng, văn em rất thú vị, chúc em vui vẻ nhé, có gì chat với chị nhé..