Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Mộc

Nghe album “Acoustic Extravaganza” của KT Tunstall mấy tuần rồi mà chưa chán. Bởi vì mình thật sự thích Folk, thích Acoustic, những nhạc cụ mộc không điện. Khi mình thích một cái gì đấy thì mình thường hay thích cả cái từ chỉ thứ đó nữa, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Như mới nói đến “Acoustic” hay là “Mộc” trong tiếng Việt - trường hợp này thì mình thích “mộc” hơn. Bởi nghe đã thấy gợi ra cái sự “mộc mạc” - không cầu kì, có khi là sù sì, thô ráp của cái chất “mộc” ấy, cái sự đơn giản hay là giản dị. Nghe thanh “mộc” gợi đến “gỗ mộc” - gỗ dường như cũng là chất liệu mà mình thích nhất. Mình đoán có lẽ thứ khiến mình thích gỗ, thích mộc là bởi chính cái bản chất của nó thôi. Đơn giản - giản dị - không cầu kì. Nhìn những thứ làm từ gỗ thấy an tâm, nghe nhạc mộc guitar hay piano mình được thấy thanh bình, thấy mình, thấy mình hoà trong những giai điệu và ca ngôn từ dân dã, mộc mạc, bình yên và tình cảm ấy. Quan trọng nhất là cả hai thứ mộc đó - nhạc và gỗ - đều cho mình cảm giác thật. Thật - tức là không giả tạo, không bóng nhoáng, không chạy theo thị trường, không cầu kì. Chỉ là gỗ cắt từ cây ra thôi. Chỉ là giọng của người hát và tiếng sáu dây đàn ghita hay là những phím piano. Đơn giản nhưng không hề đơn điệu. Mình thích cứ “mộc” như thế. Không màu mè, và cái sự giản đơn mà không đơn điệu ấy khiến cái sự mộc, chất mộc có cá tính riêng của nó – cá tính “mộc”. Mình đã lặplại quá nhiều lần những từ “mộc”, “giản dị”, “đơn giản”, “thật” - bởi vì đó là những gì mình yêu thích và không thể có từ khác để thay thế được. Mộc. Đơn giản. Giản dị. Thật. Mình yêu những điều ấy, từ ấy, và những gì được cấu thành nên bởi nó, những con người có những điều ấy trong tính cách và con người của họ.

Cũng mộc mạc, đấy là chất liệu vải kaki mình thích và cảm giác hoà hợp khi mặc. Quần kaki, giày vải, mũ kaki, túi kaki là những đồ mình dùng và chọn – không phải luôn luôn – nhưng là nhiều và đa số. Kaki thì hay đi và hợp với màu kem sữa hay trắng. Bên cạnh màu vàng thì mình thích màu trắng, và đôi màu đen & trắng - cũng như mình thích rõ ràng và đơn giản. Dù tính khí mình nhiều khi là lằng nhằng lưỡng lự, là pha trộn và bao gồm của quá nhiều băn khoăn, suy nghĩ nên trở thành phức tạp và rắc rối. Thế nên sở thích về đen & trắng hay là sự giản dị đơn giản - từ “simple”, như là một sự tự cân bằng?

Hồi bé mình không để ý nhiều nhưng càng lớn, bây giờ, sẽ không phải là một bài hát mình thật sự thích nếu mình không ưa ca từ của nó. Và sẽ không phải là một ca sĩ mình thật sự yêu thích nếu mình không thích con người của người ấy - thể hiện qua nhạc, lời, cách hát, những lời người ấy phát ngôn, phong cách sống. Con người ấy đôi khi chỉ thể hiện qua một đoạn phỏng vấn nhỏ - mình thấy cách ăn nói thể hiện được khá nhiều một con người – không kể những lúc đùa cợt vui vẻ thân mật. Hay con người ấy còn thể hiên qua trang phục, thường những người mình thích không quá phá cách ở trang phục, họ ăn mặc giản dị, không cầu kì và bởi thế mà rất dễ nhìn và gây thiện cảm với mình. Mình đang nghĩ đến Norah Jones, Micheal Buble’, Jamie Column… Và họ tạo nên ấn tượng bởi giọng hát, giọng hát và giọng hát, nhạc cụ, ca từ, và không thể thiếu: CẢM HỨNG. Đấy là những người mà mình coi là nghệ sĩ thực thụ - đáng nghe, đáng nhìn, đáng yêu thích, hâm mộ. Mình cũng có thể gọi là đứa nhõng nhẽo và cầu kì lắm chuyện trong việc làm gì mà không có hứng hay cảm hứng là không làm được hay làm chả ra thể thống gì cả, vớ va vớ vẩn. Nhưng bù lại là mình thích nhiều thứ nên cũng tìm được cảm hứng từ nhiều thứ.

Có lần Lúng bảo mình cực đoan. Tiếng Anh nó là “extremism”. Mình không phản đối lắm. Thôi thế là đúng là mình thế thật à. Hay là đúng bởi mình đôi lúc còn cầu toàn nữa. Nhưng mà cũng lâu lâu rồi đấy, mình học được là thực tế, cuộc sống, mọi người, và tất nhiên là bao gồm cả chính mình nữa - mọi thứ không một màu, một mặt, một tính chất hay đúng hơn là không luôn luôn chỉ là một màu ấy, một mặt ấy, một tính chất ấy – cho dù người ta có muốn hay không. Bởi vì đấy là tự nhiên thôi, là con người thôi mà. Cụ thể nó là như thế này. Cái dạo đấy mình ghét cái thói lẳng lơ, liếc mắt đưa tình, tán tỉnh vớ vẩn quá, ghét kinh khủng khiếp, ghét lắm. Thực ra hiện tại vẫn ghét mà. Bởi vì có một người làm những cái mình ghét đấy với một người liên quan đến mình. Tóm lại ý của Lúng là mình đừng có khó chịu nhiều đến thế, đừng có “cực đoan” như thế, đừng có “ không bao giờ chấp nhận cái kiểu lẳng lơ đấy!!” – mình đã nói những câu kiểu này rất nhiều, với sự bực tức và khó chịu kinh khủng. Và để biểu đạt hết cái cảm xúc khó chịu của mình với việc đấy thì cần phải dùng nguyên một hoặc hai dòng cho dấu chấm than, thật sự là mình đã rất khó chịu như thế đấy. Như mình hiểu cái ý Lúng muốn nói là mọi thứ không hoàn hảo và vì thế mình đừng có đánh giá việc đấy quá khắt khe. Cái ý đấy không sai và mình không phản đối tẹo nào. Không nên cầu toàn, khắt khe hay cực đoan như mình – lúc nào cũng là “cực kì”, “không bao giờ”, “lắm lắm lắm”, “suốt đời” – cái kiểu rồ lên thích một cái gì đấy hay rồ lên ghét một cái gì đấy. Phải là rồ lên chứ không “Tao thấy không nên thế”, “Tao thích cái này”, ít nhất là khi nói với những đứa ruột thịt của mình, Li Zèo Mốc Quin Lúng Fương. Nhưng Lúng nói thế thôi, mình cũng có thể dạy dỗ ai đó như thế, nhưng khi nó là chuyện của mình, cách nhìn sẽ khác vì cách việc đấy ảnh hưởng đến mình. Nếu có đứa vớ vẩn lẳng lơ tán tỉnh girlfriend của Lúng chắc nó cũng sẽ “cực đoan” như mình. Thế nên vấn đề là mình không bao giờ chấp nhận được cái thói của cái đứa cưa cẩm người yêu mình chứ không phải là không bao giờ chấp nhận cái thói đấy của bất kì ai đấy bâng quơ ngoài xã hội kia. Như thế là tao đã không “cực đoan” một cách vô cớ, Lúng nhỉ. Mình có những người bạn có cái tính không đứng đắn cho lắm đấy, nhưng mình vẫn thấy ổn thôi, bởi vì họ không phải là Li Zèo Mốc Quin Lúng Fương - những đứa bạn mà mình coi như ruột thịt. Nếu là một trong số bọn nó, mình không im lặng và đồng ý đâu. Hay có thể nói là nếu Li Zèo Mốc Quin Lúng Fương mà thế, có lẽ, à không khá là chắc chắn đấy, đó đã không phải là những “ruột thịt”của mình cho đến bây giờ.

Cái gì cũng có cái giá riêng của nó và, với những điều đến và đi trong cuộc sống của mỗi người, mình nghĩ không có ai có thể có không một điều gì cả, dù đó là điều tốt hay xấu - để có được nó, họ sẽ phải đưa lại cho cuộc sống một thứ gì đó, một điều gì đó - chỉ là sớm hay muộn thôi. Bởi vì cuộc sống là cho và nhận, và sẽ luôn luôn là như thế. Mình rất tâm đắc chân lí này. Đã từng đọc và nghe những câu đại loại như “ Life is not fair, you should get used to it”. Mình không phản đối. Có những khi cuộc sống là không công bằng tí nào. Cái mình tin tưởng và sắp viết ra, có người sẽ cho rằng chỉ là cách nói lạc quan thôi. Nhưng nhờ nó mà mình bước qua và không bị ảnh hưởng những lúc “unfair” của cuộc sống, nhờ nó mà mình thấy mình sống vui và sống tốt, quan trọng nhất, mình thấy yêu và thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình, với tất cả những lúc “fair”và “unfair” của nó. Nên mình luôn tin thôi, và muốn trả lời câu “Life’s not fair” là “Life is always fair, eventually

Dù mình rất thích nhạc nhẽo hát hò nói chung, và nghe rồi thích những bài, những nghệ sĩ của nhiều thể loại khác nhau, pop, rock, alternative, funk, punk, ballad, classical,…; nhưng rồi đến bây giờ, mình đã thật sự thấy loại nhạc mà khi nghe mình thấy mình nhiều nhất, hoà mình vào tự nhiên nhất, thấy bị lôi cuốn thật sự, thấy được truyền cảm hứng và yêu thích vô cùng là country, folk và jazz. Thích từ nhạc, giai điệu đến ca từ, từ ca sĩ, cách hát, thể hiện đến con người của những nghệ sĩ ấy, thích từ bìa đĩa đến nội dung. Và khi thích thật sự thì chắc chắn sẽ phải tìm và mua đĩa của tất cả những album từ trước đến giờ, và nghe, cứ một cái đĩa ấy để trong cái đài vàng xinh đẹp của mình, nghe đi nghe lại, nghe đi nghe lại, và chẳng thấy chán. Rồi đọc lời, hiểu lời, thích lời, hát theo, chân tay đầu óc mồm miệng đi theo lời và nhạc. Khi yêu thực sự sẽ là như thế.

Mình rất khó tính để dùng từ “yêu” với một đứa con trai. Và mình vẫn chưa gặp được đứa con trai mình muốn nói từ “yêu” bao giờ, trừ Lúng vì nó là bạn thân mà – yêu kiểu khác. Nhưng mình yêu và yêu khủng khiếp một tấn những thứ khác mà hơn hai lần mình ngồi liệt kê ra, 17 trang nếu viết đủ câu và 4 trang nếu chỉ viết những từ thôi. Cái “L et ife augh OVE!” mình viết ra liệu có bao nhiêu người sẽ hiểu nhầm rằng “LOVE” ở đấy chỉ là tình yêu nam nữ đôi lứa thôi nhỉ? Mình muốn bao hàm ở “LOVE” nhiều tình yêu cho nhiều điều khác nhau trên đời này nữa mà. Không biết mình có lĩnh hội cái ý của Quyên thiếu không nhưng khi nó nói sống để yêu – nghe tưởng như hai đứa giống nhau - nhưng rồi nhìn cuộc sống của nó, mình thấy đa phần, ý “yêu” của nó không ôm đồm như mình, “yêu” là yêu người yêu của nó, là thế thôi. Hay có thể tình yêu dành cho những thứ khác của nó không nhiều và cụ thể, rõ ràng như tình yêu mà nó dành cho người yêu nên mình không thấy thôi, chắc phải thế. Mình thì lại gần như ngược lại với nó, mình có thể yêu kinh khủng và thể hiện tình yêu ấy một cách điên rồ khi đấy là tình yêu với những cái như kiểu em bé, nhạc nhẽo, mấy đứa bạn thân, hay một con người sự kiện nào đấy; nhưng với ai đấy mà mình “crush”, “like” thì lại “inside out and upside down”. Có thể đơn giản là mình chưa gặp được “the one” thôi, và đúng là thế đấy. Nhưng mà lan man ra thì đúng là mình khó tính hơn để nói “yêu” với một đứa con trai thật. Cái tính và cái kiểu của mình nó thế đấy. Với hầu hết mọi người thì kiểu cư xử của mình rất chi là informal và nhí nhố. Nhưng với đứa mình “crush” thì nó sẽ phải là lỗ mãng, dở hơi, điên rồ và thô bỉ. Hơ, nói chung thì nghe rất là dở hơi nhưng mà từ cái hồi nào ý, từ bé, mình không bao giờ nhẹ nhàng nữ tính tử tế với mấy đứa mình rung rinh linh tinh cả. Chính mẹ từ khi mình bé rất tránh đụng chạm đến chuyện yêu đương các thứ, kiểu xã hội phong kiến ý, thế mà bây giờ gọi mình là bà già phong kiến. Khái niệm yêu với mình nhiều phần là gắn với gia đình - một tình yêu và sự yêu thương lâu dài hơn chỉ một tình yêu đôi lứa. Mình thích lấy chồng kiểu có tính cách và con người kiểu như Đỗ Bảo, hehe, tức là hiền, yêu gia đình, biết suy nghĩ, đứng đắn, chín chắn – người cho mình cảm giác yên bình, an toàn, tin tưởng, chân thành, vững chắc, lâu dài và yêu thương – ít nhất đấy là những gì mình “nhìn mặt bắt hình dong” Đỗ Bảo cộng với cái hôm xem “Với người hâm mộ” ^^

Mình lại lải nhải hát thôi “let it be, let it be, let it be, oh let it be, speaking words of wisdom, let it be…”. Đấy, với mình thì cái gì tự nhiên thì mới thật và mới hay ho và mình mới thích. It will come when it comes :D

10:27 pm 24/10/07

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

Terry Fox -- Do what you love To love what you do


Thời gian sau khi con người biết rằng mình sẽ không còn sống được lâu nữa họ sống quãng đời còn lại của mình thật tuyệt. Thế nên mới có câu này mà một lần Thu Phương đã ghi vào sổ: “Always live like it’s the last day of your life” – “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống vậy”

Vừa xem bộ phim về Terry Fox, họ đóng thật cứ như là phim tư liệu vậy. Terry đã cố gắng chạy khắp Canada để quyên góp tiền cho quỹ phòng chống ung thư của Canada và đã quyên góp được 24 triệu đô, với dân số của Canada khi đó, số tiền này đồng nghĩa với mỗi người Canada đã góp được 1 đô cho quỹ. Đó là một số tiền lớn, một việc làm vô cùng ý nghĩa và có ích. Tuy vậy, đó không phải là điều quan trọng nhất bởi vì trên hết Terry đã làm được điều mình thích – chạy vòng quanh Canada, thách thức với căn bệnh ung thư đã lấy đi của anh một bên chân và sau này đã di căn lên phổi và lấy đi cả cuộc sống của anh. Những con người ở Canada khi đó coi anh như một anh hùng. Và có một ngọn núi được mang tên Terry. Quãng đời cuối cùng của Terry chắc hẳn phải thật sự có ý nghĩa với anh bởi vì anh đã sống và làm những điều mình muốn, đi dến những nơi mình chưa từng đến và được gặp gỡ những con người mình chưa từng biết.

Trong cuộc sống bình thường, nhiều lúc con người sống và làm những điều mình không thật sự thích: học một ngành không phù hợp với khả năng của mình, làm một công việc không phải là sở thích của mình, cưới một người mình không thật sự yêu…Vậy làm thế nào để được sống một cuộc sống mà mình muốn, làm những điều mình thích?

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” có một câu đáng nhớ rằng “Nếu mục đích làm việc của bạn là kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ không đạt được mục đích đó”. Có thể hiểu tổng quát rằng khi chúng ta cố chạy theo một điều gì đó, phần nhiều là ta sẽ không bắt được nó. Và trước hết là chạy như thế thì rất mệt. Như khi một chú cún cứ cố chạy theo cái đuôi của chính mình thì sẽ mất cả ngày mà chả bắt được cái đuôi ấy. Kĩ thuật ở đây là chú chó nên nằm xuống, cuộn tròn người lại và thử rướn cổ mình hết cỡ về phía đuôi mình xem – có thể chú sẽ cắn được phần ngọn của nó đấy!

Nói lòng vòng như vậy để thấy rằng nhiều khi ta muốn nhanh ta cần phải từ từ, muốn bật xa ta cần phải lùi lại (để lấy đà) chứ không phải là cứ thế xông về trước. Sau khi đọc cuốn sách về cuộc đời của Eđisơn tôi rút ra được một công thức thế này: PM1 =>T1=>PM2=>T2. Trong đó PM là phát minh, T là tiền. PM 1 không phải là điều mà E-đi-sơn thật sự và yêu thích nhưng nó giúp ông kiếm được tiền để thực hiện PM2 – phát minh mà ông ấm ủ và mong đợi. Như vậy, khi thực hiện PM1, Edison đã tạm thời đi ngược lại cái nguyên lí mà cuốn “Dạy con làm giàu” nói ở trên, trong khi với số tiền kiếm được từ PM1, chắc hẳn khi thực hiện PM2 - niềm yêu thích của mình – Edison không cần và không quan tâm đến chuyện tiền bạc nữa và khi này ông lại theo chân lí “làm những việc mà mình yêu thích và có khả năng”, chứ không phải vì tiền. Và với khả năng và tình yêu mà ông dành cho PM2, nó thành công một cách xuất sắc và đem lại cho ông T2, nhiều gấp nhiều lần T1 – dù đó không phải là điều mà ông hướng tới khi làm PM2.

Như vậy, phần đầu của câu trả lời cho câu hỏi được in đậm và nghiêng ở trên sẽ là đôi khi trong cuộc sống, trước khi có thể theo đuổi điều mà mình yêu thích và muốn làm, đôi khi chúng ta cần phải làm một vài điều không hẳn là sở thích của mình để có được số vốn cần thiết để làm điều mình thực sự muốn sau này! Điều này hoàn toàn lành mạnh và được coi như một trong những bước đầu trên con đường của bạn mà bạn chọn – con đường của những công việc mà bạn yêu thích, con đường hạnh phúc của bạn.

(Giọng rất trẻ con. Chắc phải là một ngày nào đấy năm 2007)

P.S. Trong thực tế cuộc sống, nhiều người dành cả đời để kiếm tiền T1 mà quên hẳn PM2...

Thứ Năm, 4 tháng 1, 2007

Góc bàng cửa sổ

Bây giờ nhìn ra cửa sổ vẫn thấy cây bàng, hình như càng ngày tán nó càng rộng ra thì phải. Nhưng mà tầm mắt cứ bị che bởi mấy cái thanh sắt với những hình chữ nhật ngang dọc. Từ hồi đổi cửa sổ thấp xuống là có thêm cái khung sắt bảo vệ đấy. Chả thích gì cả. Ngước lên để nhìn trời thì chỉ thấy một tấm bê tông, bố làm để mưa khỏi hắt vào cửa sổ, mấy cái mái nhà cao tầng nhấp nhô đủ màu đủ kiểu, chỉ chừa lại ít ỏi những trời và mây. Chán thật.

Hồi trước, cách đây khoảng ba năm thôi nhỉ, cái hồi mình học lớp 10 vẫn còn cửa sổ cũ. Nó cao hơn nên không cần sắt chắn. Nhìn ra là thấy cả cây bàng. Nhìn xuống đường thấy mọi người qua lại. Nếu ngước lên sẽ thấy cả bầu trời. Tuy nhìn trời không rộng lắm vì cái cửa sổ không to nhưng cũng đủ để thấy mây đủ hình đủ kiểu, cứ vừa nhìn vừa tưởng tượng ra. Thật là thích thú.

Có một hôm mình đang ngước lên nhìn như thế thì chú Hùng trông xe dưới nhà nhìn thấy hét lên: " Ối, Hàm Hôi đang ngắm trời...", chỉ nhớ nhất là cái "Hàm Hôi", còn chú í nói cái câu gì mà làm mình ngượng ngiụ hơn cơ. Đang mải mê lãng "mạng" thì bị phát hiện ra, thật là xí hổ. Chú í nói xong, mình nhìn xuống chỗ chú cười rồi chả nhìn trời nữa. Thật là trẻ con. ( Đến bây giờ vẫn thế, đang làm gì riêng tư mà bị ai phát hiện là ngại lắm, hi )

Lá bàng đỏ tím, cứ như môi người bị cái lạnh thấm vào vậy. Xen lẫn là cả những lá xanh, nhưng không phải màu xanh tươi mà xanh lá cây đầm đầm, những cái lá phủ bụi. Quanh sang mà nhìn những cành nhánh của cây bàng đúng vào cái tiết này thì thật là thú. Ngôn từ có đủ sức để lột tả được những cái khúc ngoằn nghoèo rất tự nhiên mà không hề chen lấn của những cành lá này. Hôm nào thử lấy máy kĩ thuật số chụp lại cái khúc này xem. Nhưng rồi nhìn cái ảnh căn giỏi nhất, chụp đẹp nhất rồi cũng sẽ không bằng dăm ba phút ngồi bên cửa sổ và nhìn sang cây bàng, ngắm nó bằng chính cái mắt của mình đâu.(thực tế là qua cái kính cận 4,0 độ, hic)

Cho dù là cửa sổ đã bé đi, lại thêm những thanh sắt chắn ngang dọc, nhưng nhìn sang cây bàng vẫn đẹp cái đẹp đơn giản mà kiêu kì, cổ kính của nó. Với mình, nó còn hấp dẫn bởi những gắn bó thời gian, kí ức, có khi không điểm mặt gọi tên được, cái dáng vẻ sao mà gần gũi, thân thương.

Mà có lẽ, vào cái độ sắp Tết này, khi những chùm nắng tuy thưa thớt mà đủ làm cái lạnh không còn giá, ngắm những lá bàng cành bàng mới thấy thật thích. Những hôm trời lạnh đến buốt da buốt thịt thì đâu có mở cửa để mà nhìn thấy cây bàng. Còn mùa hè nóng nực, cây bàng cứ như khoe ra cái sắc xanh nhất của nó, sắc xanh rất biếc, như đua cùng cái nắng gay gắt đổ xuống khắp cây. Trời nóng quá, mải kêu ca mệt mỏi nên cũng chỉ thấy sao mà lá bàng xanh thế. Đúng là phải vào cái tiết này cơ, mình thích cái dáng vẻ ấy, đẹp nền nã, giản dị mà kiêu sa nhưng vẫn ấm áp, có cái vẻ thanh cao đến nao lòng của đất trời, góc đường, con người Hà Nội, của một cái gì đấy cổ xưa.

...để thấy là ngay ở một cái nơi vẫn được coi là buôn bán sầm uất, sống ở đây mình còn thấy nó đanh đá, chanh chua - cái đất Chợ Giời này, tồn tại rất hữu hình và hữu sắc một góc bàng gợi xúc cảm, dư âm,nhẹ nhàng thôi - nhưng rất đậm...

Hà Nội
4 giờ 6 phút chiều
ngày 4 tháng 1 năm 2007