Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

Terry Fox -- Do what you love To love what you do


Thời gian sau khi con người biết rằng mình sẽ không còn sống được lâu nữa họ sống quãng đời còn lại của mình thật tuyệt. Thế nên mới có câu này mà một lần Thu Phương đã ghi vào sổ: “Always live like it’s the last day of your life” – “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống vậy”

Vừa xem bộ phim về Terry Fox, họ đóng thật cứ như là phim tư liệu vậy. Terry đã cố gắng chạy khắp Canada để quyên góp tiền cho quỹ phòng chống ung thư của Canada và đã quyên góp được 24 triệu đô, với dân số của Canada khi đó, số tiền này đồng nghĩa với mỗi người Canada đã góp được 1 đô cho quỹ. Đó là một số tiền lớn, một việc làm vô cùng ý nghĩa và có ích. Tuy vậy, đó không phải là điều quan trọng nhất bởi vì trên hết Terry đã làm được điều mình thích – chạy vòng quanh Canada, thách thức với căn bệnh ung thư đã lấy đi của anh một bên chân và sau này đã di căn lên phổi và lấy đi cả cuộc sống của anh. Những con người ở Canada khi đó coi anh như một anh hùng. Và có một ngọn núi được mang tên Terry. Quãng đời cuối cùng của Terry chắc hẳn phải thật sự có ý nghĩa với anh bởi vì anh đã sống và làm những điều mình muốn, đi dến những nơi mình chưa từng đến và được gặp gỡ những con người mình chưa từng biết.

Trong cuộc sống bình thường, nhiều lúc con người sống và làm những điều mình không thật sự thích: học một ngành không phù hợp với khả năng của mình, làm một công việc không phải là sở thích của mình, cưới một người mình không thật sự yêu…Vậy làm thế nào để được sống một cuộc sống mà mình muốn, làm những điều mình thích?

Trong cuốn “Dạy con làm giàu” có một câu đáng nhớ rằng “Nếu mục đích làm việc của bạn là kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ không đạt được mục đích đó”. Có thể hiểu tổng quát rằng khi chúng ta cố chạy theo một điều gì đó, phần nhiều là ta sẽ không bắt được nó. Và trước hết là chạy như thế thì rất mệt. Như khi một chú cún cứ cố chạy theo cái đuôi của chính mình thì sẽ mất cả ngày mà chả bắt được cái đuôi ấy. Kĩ thuật ở đây là chú chó nên nằm xuống, cuộn tròn người lại và thử rướn cổ mình hết cỡ về phía đuôi mình xem – có thể chú sẽ cắn được phần ngọn của nó đấy!

Nói lòng vòng như vậy để thấy rằng nhiều khi ta muốn nhanh ta cần phải từ từ, muốn bật xa ta cần phải lùi lại (để lấy đà) chứ không phải là cứ thế xông về trước. Sau khi đọc cuốn sách về cuộc đời của Eđisơn tôi rút ra được một công thức thế này: PM1 =>T1=>PM2=>T2. Trong đó PM là phát minh, T là tiền. PM 1 không phải là điều mà E-đi-sơn thật sự và yêu thích nhưng nó giúp ông kiếm được tiền để thực hiện PM2 – phát minh mà ông ấm ủ và mong đợi. Như vậy, khi thực hiện PM1, Edison đã tạm thời đi ngược lại cái nguyên lí mà cuốn “Dạy con làm giàu” nói ở trên, trong khi với số tiền kiếm được từ PM1, chắc hẳn khi thực hiện PM2 - niềm yêu thích của mình – Edison không cần và không quan tâm đến chuyện tiền bạc nữa và khi này ông lại theo chân lí “làm những việc mà mình yêu thích và có khả năng”, chứ không phải vì tiền. Và với khả năng và tình yêu mà ông dành cho PM2, nó thành công một cách xuất sắc và đem lại cho ông T2, nhiều gấp nhiều lần T1 – dù đó không phải là điều mà ông hướng tới khi làm PM2.

Như vậy, phần đầu của câu trả lời cho câu hỏi được in đậm và nghiêng ở trên sẽ là đôi khi trong cuộc sống, trước khi có thể theo đuổi điều mà mình yêu thích và muốn làm, đôi khi chúng ta cần phải làm một vài điều không hẳn là sở thích của mình để có được số vốn cần thiết để làm điều mình thực sự muốn sau này! Điều này hoàn toàn lành mạnh và được coi như một trong những bước đầu trên con đường của bạn mà bạn chọn – con đường của những công việc mà bạn yêu thích, con đường hạnh phúc của bạn.

(Giọng rất trẻ con. Chắc phải là một ngày nào đấy năm 2007)

P.S. Trong thực tế cuộc sống, nhiều người dành cả đời để kiếm tiền T1 mà quên hẳn PM2...